Điểm danh 4 cây cầu có thiết kế riêng biệt tại Đà Nẵng
Dòng sông Hàn chảy qua Đà Nẵng và đổ ra biển ở vịnh Đà Nẵng chia thành phố thành bờ đông và tây. Bờ đông là các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn giáp biển; bờ tây là các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ… Dòng sông là trục cảnh quan ý nghĩa của đô thị. Ở đó, những cây cầu bắc qua sông không chỉ giữ vai trò giao thông thuần túy, còn là điểm nhấn đô thị. Những cây cầu trên sông Hàn gồm sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý và Thuận Phước mỗi cầu một vẻ, đem lại vẻ đẹp hiện đại, ấn tượng của một thành phố giàu sức sống.
Mục lục
Cầu Sông Hàn
Cầu Sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Đây là cây cầu xoay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Quá trình xây dựng bắt đầu vào tháng Hai năm 1998. Không lâu sau đó, Cầu Sông Hàn chính thức được khánh thành vào năm 2000. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Đà Nẵng, vì Cầu Sông Hàn là cây cầu xoay đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cầu Sông Hàn được thiết kế bởi kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời được xây dựng với sự giúp đỡ của người dân địa phương. Cây cầu có chiều dài 487.7m, chiều rộng 12.9m với 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m.
Một điều đặc biệt khiến du khách thích thú và mong muốn được chiêm ngưỡng là việc xoay cầu diễn ra vào lúc nửa đêm. Cụ thể hơn, vào 1h sáng mỗi ngày, phần giữa chiếc cầu sẽ xoay 90 độ quanh trục của nó và nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn. Việc xoay cầu diễn ra trong vòng khoảng 2 tiếng rưỡi và cầu sẽ trở lại vị trí ban đầu vào lúc 3h30.
Khung cảnh Cầu Sông Hàn lấp lánh dưới ánh đèn thành phố cũng là điều mọi người luôn muốn chiêm ngưỡng, bao gồm cả khách du lịch và người dân Đà Nẵng. Khi thành phố lên đèn, Cầu Sông Hàn phản chiếu ánh sáng xuống mặt nước sông Hàn, tạo ra cảnh tượng cực kì lung linh khiến ai cũng phải ngước nhìn.
Cầu Thuận Phước
Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.
Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng từ năm 2003 và mất gần 6 năm xây dựng mới hoàn thành. Cầu có chiều dài gần 2km và có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là một trong những cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Cầu có chiều rộng gần 20m, có 4 làn xe ô tô với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cầu Thuận Phước không chỉ giúp người dân trong việc giao thông thuận tiện mà còn kết nối giao thương, tạo đà phát triển cho nền kinh tế thành phố biển Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn thơ mộng, cầu Thuận Phước lại trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ đẹp lung linh và quyến rũ của một thành phố trẻ năng động. Nhiều người đã gọi cầu Thuận Phước là dải lụa vắt ngang sông Hàn, đặc biệt quyến rũ lòng người khi màn đêm buông xuống, khi hệ thống đèn được thắp sáng.
Cầu Rồng
Đúng như tên gọi, cầu Rồng với hình dáng một con rồng có chiều dài 666m, rộng 37.5m bắc qua con sông Hàn. Với kinh phí gần 1.5 tỷ đồng, cây cầu có sáu làn xe và được thông xe lần đầu vào ngày 29 tháng Ba năm 2013 nhân dịp kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Nếu như bạn không biết thì thiết kế của cầu Rồng gắn liền với những bước tiến trong lịch sử của nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng.
Cầu Rồng là cây cầu có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, là con đường ngắn nhất nối sân bay quốc tế Đà Nẵng với những đường trục chính trong thành phố. Không chỉ đóng vai trò là đường giao thông huyết mạch của thành phố, cầu Rồng, với kiến trúc mô phỏng con rồng thời Lý đang vươn mình bay ra biển, là một trong những kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Đối với khách du lịch Đà Nẵng, cùng với việc tìm hiểu lịch sử cầu Rồng Đà Nẵng, chiêm ngưỡng cầu Rồng phun lửa là một trong những giây phút thú vị nhất. Rất may mắn là bạn có thể chiêm ngưỡng màn biểu diễn tuyệt diệu này mỗi cuối tuần mà không mất chút phí nào. Đều đặn mỗi 9 giờ tối thứ Bảy và Chủ nhật, cầu Rồng sẽ chiêu đãi người dân và khách du lịch màn biểu diễn tuyệt vời của nước và lửa.
Cầu Trần Thị Lý
Được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2013, Cầu Trần Thị Lý có độ dài hơn 700m nối liền hai bờ sông Hàn. Tên của cây cầu được đặt theo tên nhà hoạt động cách mạng Trần Thị Lý, người có tinh thần bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù và sự dũng cảm đáng khâm phục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Với thiết kế mang âm hưởng của phong cách châu Âu, cầu Trần Thị Lý là một nét phá cách độc đáo giữa bức tranh thành phố Đà Nẵng sôi động và nhộn nhịp. Cầu sử dụng hệ thống dây văng 3 chiều với những trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu lạ mắt kết hợp với trụ tháp nghiêng cao đến 145m so với mặt nước biển và tựa như hình tượng cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra biển Đông mang theo khát vọng vươn lên của người dân thành phố Đà Nẵng. Chính thiết kế vô cùng sáng tạo này đã tạo nên một nét kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và độc đáo “có một không hai” cho cây cầu.
Với vẻ đẹp mềm mại, thanh thoát đầy nữ tính nhưng không không kém phần độc đáo, hiện đại, cầu Trần Thị Lý đã trở thành một điểm thăm quan hấp dẫn nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh, lưu lại nhiều kỉ niệm đẹp mỗi khi có dịp du lịch Đà Nẵng. Và hơn cả một công trình kiến trúc làm đẹp cho thành phố, cầu Trần Thị Lý còn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng về sự lao động hăng say và sáng tạo tuyệt vời.